TUYỆT ĐỈNH TẠO DỰNG Để có thể hiểu được các chiều kích thời gian của tạo dựng, có người đã ví toàn bộ tuổi trái đất là một năm. Theo đó, mồng 1 tháng 1 là ngày hình thành địa cầu. Mồng 1 tháng 4 – quả đúng ra là sau khoảng 3,4 tỉ năm – xuất hiện sự sống của các loại đơn bào trên hành tinh. Mãi tới ngày 27 tháng 11 mới xuất hiện chú cá đầu tiên, và các chú khủng long có mặt vào ngày 12 tháng 12. Hẳn là Chúa yêu thương mọi loài lắm. Chúng làm chủ địa cầu suốt khoảng 150 triệu năm, và không phá hoại mặt đất gì cả.Cuối cùng xuất hiện các loài có vú ngày 27 tháng 12, nghĩa là cách đây 15 đến 20 triệu năm. Lịch sử của con người khôn ngoan (Homo sapiens) mới có cách đây 150.000 năm. Tuyệt đỉnh tạo dựng có mặt, như vậy, tương đối trễ. Trước hết, tất cả những con số đó đều là ước định. Tuy chúng có nền tảng khá vững, nhưng ta không được tuyệt đối hoá chúng. Dù thế, tôi thấy niên biểu đó rất quan trọng, vì nó phù hợp với những gì Kinh Thánh và các giáo phụ đã nói, nghĩa là tiêu đích của nó cũng sẽ xuất hiện khi thời gian kết thúc. Đặc biệt về Đức Ki-tô, khuôn mẫu toàn vẹn của con người, kinh sách viết là Ngài sẽ tới khi thời gian viên mãn. Kinh Thánh cho ta thấy hình ảnh về một toàn bộ lịch sử diễn ra trước chúng ta, mà ta không thể mường tượng được ý nghĩa từng chi tiết của nó. Lịch sử này hẳn không chỉ là sự chuẩn bị cho cái sẽ tới. Bởi vì nhiều thứ sẽ lại biến mất hoặc cho thấy đó là một quá trình chuyển tiếp. Nhưng rõ ràng đây là một con đường dài vô cùng và cuộc phiêu lưu của loài người sẽ xuất hiện như một thứ chung kết. Câu hỏi thêm: Chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa? Ta không thể trả lời được. Chỉ biết rằng cái chung kết đó, từ nội tại, đã nằm sẵn trong kế hoạch, nhưng sẽ được đưa ra áp dụng khá trễ, và có thể nói, nó sẽ thâu tóm tất cả vào mình. Nếu là Thiên Chúa yêu thương và nếu Ngài yêu hết thảy chúng ta, thì tại sao Ngài lại tạo ra chúng ta quá khác nhau như vậy? Người này xinh đẹp và được mến mộ, kẻ kia cô đơn. Người này khôn và giỏi giang, kẻ kia phải chiến đấu nhọc nhằn mới thành công. Chưa nói tới những người sinh ra trong cảnh tật nguyền. Phải chăng đó là do lỗi của chính mỗi người? Chắc chắn không, vì như vậy có nghĩa là ta có thể chuẩn bị trước cho cuộc sống về sau của mình. Mặt khác, quan niệm luân hồi cũng hoàn toàn không giải thích được tính duy nhất và trách nhiệm của con người. Không, ta không biết được. Ta chỉ có thể nói điều này: Thiên Chúa đã dựng nên một thế giới đa dạng, đa dạng này đã có nơi con người và cả trong giai đoạn trước con người rồi. Điều này không nhất thiết mang tính tiêu cực. Người không có khiếu toán, có thể rất giỏi về nghệ thuật. Kẻ yếu mặt trí thức, có thể có tay nghề giỏi trong lãnh vực thủ công. Tôi tin rằng, có lẽ nền giáo dục khuôn thước của ta quá một chiều, chỉ chú trọng huấn luyện điều con người có thể làm được mà thôi. Trở đi trở lại cứ lấy cái gọi là chỉ số thông minh mà đo, nhưng chỉ số này cũng chỉ giúp nắm bắt được một loại thông minh nào đó mà thôi. Chúng ta nhận diện con người qua khía cạnh khả năng hay thành công, mà bỏ quên kho tàng các năng khiếu khác, tất cả những năng khiếu này cũng đều có ý nghĩa, giá trị và vai trò của chúng. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp tiếp biên, bị thiệt thòi thật, đó là những người tàn tật, hay những người lớn lên trong bần cùng, không bao giờ có được môi trường để thăng tiến. Ở đây, chúng ta lại gặp lại câu hỏi, tại sao trên thế giới này có nhiều khổ đau đến thế. Nhưng, ta chưa cần vội tìm câu trả lời, mà hãy khẳng định rằng, không phải người tàn tật là tạo vật đáng lẽ không nên có. Ngay chính cái tàn tật làm cho người đó có một giá trị riêng. Và Đức Ki-tô, người đã để cho người ta đóng mũ gai lên đầu và đã tự ví mình là sâu bọ chứ chẳng phải người, cũng đã tự xếp mình vào đoàn người tàn tật đó, và họ đã mang tới cho nhân loại một sứ điệp. Là những kẻ khổ đau, những kẻ đòi hỏi tình yêu của ta cũng như sẽ tặng lại ta trong tình yêu, họ có thể có một sứ mạng đặc biệt trong một cách thế đặc biệt, – nếu như ta chịu khó tỉnh thức để nhận ra điều đó. Có đủ lí do để gọi con người là tuyệt đỉnh tạo dựng. Chúng ta đã phát minh ra 19.000 ngôn ngữ. Chúng ta hát nhạc kịch và chơi những nhạc cụ do ta tạo ra. Chúng ta vượt qua những khoảng cách diệu vợi. Nhưng mặt khác, tuyệt đỉnh tạo dựng đó nhiều khi cũng hiện thân như những tạo vật khát máu, không ngừng biến nhà mình thành lò sát sinh. Đau khổ này chưa dứt thì đã gây nên đau khổ khác. Chiến tranh này chưa xong, thì đã chuẩn bị cuộc chiến khác. Và nạn nhân hôm qua, nay trở thành thủ phạm. Anh đã nói lên toàn bộ nỗi căng thẳng và toàn bộ tấn bi kịch của kiếp người. Không ai chối cãi được nét cao cả của con người. Tạo vật tí hon này, so với các tạo vật khác về mặt sinh lí, thuộc vào hàng những tạo vật nghèo nàn và kém sinh hoạt giác năng (đây cũng lại là cái lớn lao trong sự nhỏ bé), nhưng nó đã có được những khả năng để tìm hiểu vũ trụ. Với đôi mắt, con người có thể nhìn thấu vào vũ trụ, và từ vũ trụ lại nhìn lại được những chi tiết sự sống mình. Như thế, có thể nói, con người đã tiến sâu được vào trong giếng sâu hữu thể, để có thể tự tái cấu trúc nó hoặc sử dụng nó một cách có ý nghĩa và làm phát triển nó tiếp. Tôi tin rằng, cái lớn lao - và dĩ nhiên cả cái khả năng gẫy đổ - của con người chưa bao giờ hiện rõ như lúc này. Bởi vì tạo vật càng lớn, nó càng phải đối diện với nhiều hiểm nguy. Và các khả thể lẫn sức mạnh và khả năng của nó càng lớn chừng nào, thì các nguy cơ ẩn tàng trong nó có thể càng lớn chừng đó. Một con muỗi có thể làm hại trong chừng mực khả năng của muỗi, không hơn không kém. Nhưng con người nắm trong tay với cả nhân loại toàn bộ khả năng tàng ẩn trong nó.Do đó, nó có thể bày ra những cách phá hoại vượt xa các loài khác. Đó là cái mâu thuẫn nội tại của con người. Con người được kêu mời trở nên cao cả, nhưng tự do của nó có thể khiến nó muốn chống lại Chúa, muốn trở nên Chúa, khiến nó có thể trở nên một đe doạ thật sự. Tự do đó có thể chính là cái vấp ngã của nó, biến nó trở thành một con quỷ phá hoại. Đôi khi, chúng ta muốn nói với Chúa thế này: Giá mà Chúa dựng nên con người bớt cao cả đi một chút thì hay biết mấy, bởi vì nó sẽ bớt nguy hiểm hơn. Nếu như Chúa đừng cho nó tự do, thì nó có thể đã không sa ngã nặng nề như thế. Nhưng rồi cuối cùng ta đã không dám nói lên điều đó, bởi vì ta phải cám ơn Chúa, vì Ngài đã dựng nên điều cao cả. Và cho dù Chúa có nhận vào Ngài hết mọi cái nguy cơ của tự do con người và tất cả những vấp ngã của tự do đó, thì ta cũng có thể bị choáng váng trước những sa ngã có thể xẩy ra, và phải gắng dốc toàn lực để chống trả lại chúng, nhưng đồng thời ta cũng phải nói lên niềm tín thác nền tảng sẵn có của ta nơi Chúa. Và chỉ trong tư thế bám chặt vào niềm tín thác đó ta mới có thể chống trả được những nguy cơ của con người và có thể chịu đựng được chúng. Khi Chúa tạo nên địa cầu, Ngài dựng nên nó như một phần của hệ thống mặt trời, hệ thống này lại là thành phần của một hệ thống ngân hà gồm một trăm triệu ngôi sao vận hành trong vũ trụ, giữa một đại dương vô tận với vô số dải hành tinh tương tự. Hệ thống hành tinh gần chúng ta nhất cách khoảng hai triệu năm ánh sáng. Có thể tưởng tượng được rằng, đâu đó trong vũ trụ bao la ngoài hành tinh tí hon của ta, còn có sự hiện diện của các tạo vật của Chúa, mà có thể cũng giống như con người? Phải chăng chúng ta không cô độc trong vũ trụ hành tinh bao la này, tư tưởng này không xa lạ. Chúng ta cũng không thể gạt bỏ tư tưởng đó một cách dứt khoát, bởi vì ta không biết được hết tầm xa của ý nghĩThiên Chúa và của tạo dựng. Nhưng thực tế cho tới lúc này, mọi nỗ lực tìm ra các tạo vật khác đã không thành công. Mới đây, có một quan điểm rất khoa học bảo rằng, có lẽ không có sự sống cao cấp ở ngoài hành tinh của ta. Jacques Monod chẳng hạn, một tác giả trước đây không phải là ki-tô hữu, nói rằng, theo những kiến thức khoa học về thế giới mà chúng ta biết, thì xác xuất có sự sống ngoài hành tinh quá thấp đến độ không thể có được. Ta chỉ có thể nói được là: Ta không biết. Cho tới lúc này vẫn chưa có một cứ điểm nào cho thấy có thể có sự hiện hữu các tạo vật như thế. Tuy nhiên, ta biết một cách chắc chắn, là Chúa coi con người trên địa cầu hạt bụi này quan trọng đến nỗi chính Ngài đã sống và đã gắn bó đời đời với địa cầu này. Điều đó rốt cuộc cũng tương ứng với khuôn mẫu hành động của Chúa, mà chúng ta biết. Chúa luôn nâng cao những gì xem ra tầm thường, và tỏ hiện ra cho con người qua cái xem ra như chỉ là hạt bụi, hoặc như ở Na-da-ret, trong một địa danh hầu như không có trên trái đất. Như vậy, Chúa luôn nắn đi sửa lại tiêu chuẩn của ta. Ngài cho thấy cái mênh mông của lượng có một độ lớn hoàn toàn khác với cái mênh mông của con tim, như Pascal* cũng đã nói. Lượng có độ lớn không thể chối cãi của nó, nhưng điều cũng quan trọng, là lượng đó - chẳng hạn như độ dài bất tận của vũ trụ - cũng chỉ là tương đối. Một trái tim biết cảm thông và yêu thương cũng có một độ lớn vô cùng khác. Độ lớn này khác hẳn độ lớn của mọi lượng số với sức mạnh dữ dội trong chúng, nhưng dù vậy, nó không nhỏ hơn. Nếu ta có bà con trong vũ trụ, thì Chúa đã cho biết qua mạc khải của Ngài rồi? Không nhất thiết, vì Ngài không muốn kể hết cho ta mọi thứ đang có. Mạc khải không có mục đích cung cấp cho ta một nhận thức đầy đủ về ý nghĩcủa Chúa và về vũ trụ. Một trong các sách Khôn ngoan mà các giáo phụ hay trích, có câu: Chúa trao thế giới cho ta tranh luận. Hiểu biết khoa học có thể nói là cuộc phiêu lưu, mà Chúa để lại cho chính chúng ta. Trái lại, trong mạc khải, Ngài chỉ cho ta hay cái gì thật quan trọng cho cuộc sống và cái chết mà thôi. Giáo huấn Ki-tô giáo chia thế giới ra làm hai, thế giới hữu hình và vô hình. Giáo huấn đó nói tới cái „trên“ và „dưới“. Nghĩa là thế nào? Trên và dưới dĩ nhiên chỉ là hình ảnh giúp ta dễ hiểu mà thôi. Trợ cụ này có thể khiến nhận thức của ta trở nên ngây thơ mang tính thuần vật lí, làm ta quên mất cái nền tảng. Nhưng hình ảnh trên dưới tự nó vẫn có giá trị. Nó dạy ta biết có chiều sâu chiều cao, biết có nhiều cấp sống, biết có cái lớn cái bé, biết có cái chiều cao đích thực, biết có Chúa hằng sống. Ta cũng kinh nghiệm được cái vô hình và hữu hình một cách cụ thể. Có những lực, tuy mắt ta không thể thấy, nhưng chúng vẫn thực tế hiện diện. Cứ xem những điều liên quan tới trí tuệ và con tim thì biết. Nhìn vào mắt một người, nhìn lối biểu tả hay nhìn một cái gì khác nơi họ, tôi có thể thấy được nội tâm họ, nhưng thấy như một phản xạ từ đáy sâu tâm hồn. Như vậy, nhờ những cái vật chất mà cái vô hình được sáng tỏa, qua đó chúng ta biết chắc chắn có cái vô hình, và cái đó kéo chúng ta theo hướng nó. Dù sao, những lực vô hình, mà ta cảm được qua tác động của chúng, giúp ta hiểu được rằng, thế giới còn sâu xa hơn những gì con mắt và giác quan có thể thu nhận. Trong Kinh Thánh Cựu Ước có những dạng hình đầy bí ẩn liên quan tới cái „trên“ và „dưới“, cái „ vô hình“ và „hữu hình“. Những dạng hình đó xuất hiện như là sứ giả của Chúa hoặc như là „thiên thần của Chúa“. Trong số các thiên thần, có ba vị tổng lãnh có danh gọi hẳn hoi. Đó là thiên thần Mi-ca-el (tên có nghĩa là „Ai giống như Chúa“?), Ra-pha-el („Chúa cứu độ“) và Ga-bri-el („Chúa phù-trợ“). Trước đây, trường học dạy cho chúng tôi hay, thiên thần là đấng thiêng liêng, biết nghe và biết muốn. Điều này có còn đúng không? Đúng, vẫn luôn đúng. Kinh Thánh nói cho ta hay điều đó, và con người tự thâm tâm, một cách nào đó, cũng biết rằng không phải chỉ có họ là thụ tạo linh thiêng mà thôi. Chúa cũng phủ đầy thế giới với các tạo vật linh thiêng khác, các tạo vật này giống ta, bởi vì kì cùng thì toàn bộ thế giới của Ngài cũng chỉ là một. Các thiên thần cũng là dấu chỉ sự phong phú, sự cao cả và lòng từ ái của Chúa. Như thế, thiên thần có mặt thật sự trong vũ trụ quan Ki-tô giáo, các ngài là những tạo vật của tạo dựng, nhưng mang dạng hình khác, phi vật chất. Với tính thiêng liêng, các ngài hiện diện trong một không gian sống động quanh Chúa, nơi chúng ta cũng sẽ được đưa vào. Trong vương quốc thiên thần, theo lời dạy của Giáo Hội, không chỉ có các tổng lãnh và các Ke-ru-bim lẫn Se-ra-fim, mà còn có các thiên thần bản mệnh. Lạ thật, mỗi người có một thiên thần bảo vệ, và người đó còn có thể cộng tác với thiên thần đó! Đó là một niềm tin đã hình thành nên trong Giáo Hội, và niềm tin đó có lí lẽ vững vàng. Không ai buộc phải tin, vì điều đó không mang tầm mức chắc chắn như các lời dạy về Đức Ki-tô hay về mẹ Maria, chẳng hạn. Nhưng nó thuộc vào những xác tín tại tâm, đã dần dần lớn lên với kinh nghiệm Giáo Hội. Kinh nghiệm đó cho ta hay, một cách nào đó, Chúa đã gởi tới cho ta mỗi người một vị đồng hành để hỗ trợ ta. Dĩ nhiên không phải ai cũng có một xác tín nội tâm như nhau về điểm này. Ngài có biết vị bản mệnh của ngài không? Không. Cám ơn Chúa đã cho tôi tin có thiên thần bản mệnh. Nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy có liên hệ trực tiếp với Chúa hơn. Về điểm này, mỗi người mỗi khác, tuỳ tánh khí. Có những người gần thiên thần bản mệnh hơn, và cảm thấy rất được ngài ủi an. Điều quan trọng là không được dừng lại nơi vị bản mệnh, mà phải qua ngài ta tiến tới Chúa, và hướng tương giao đích thực luôn phải là chính Chúa.
|